Thứ Sáu, 20 tháng 3, 2015

Làm thế nào để được vay vốn trung và dài hạn?

Thống đốc Nguyễn Văn Bình thừa nhận, việc khó tiếp cận vốn vay trung và dài hạn đang là thực tế đặt ra chung cho lĩnh vực sản xuất ở nước ta. Hiện các tổ chức tín dụng rất dè dặt trong việc cho vay vốn trung và dài hạn bằng việc thế chấp máy móc thiết bị.
Để được vay vốn trung và dài hạn, doanh nghiệp cần chứng minh được tính khả thi của dự án
Để được vay vốn trung và dài hạn, doanh nghiệp cần chứng minh được tính khả thi của dự án
Trong khi tại các doanh nghiệp làm về xuất nhập khẩu nông sản, với nhu cầu muốn đẩy mạnh xuất khẩu và đổi mới quy trình sản xuất chế biến sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế thì doanh nghiệp cần đầu tư máy móc thiết bị hiện đại khoảng 3 – 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, lại không có vốn để đầu tư bởi các ngân hàng không đồng ý cho vay tín chấp trung và dài hạn.
Về vấn đề này, Thống đốc Bình cho rằng, để được vay vốn trung và dài hạn doanh nghiệp cần phải có quy hoạch cụ thể. “Cụ thể, với sản phẩm chè tuyết, doanh nghiệp cần phải xem thời gian qua tăng trưởng tốt thế nào và thời gian tới khả năng có tốt không? Đánh giá xem mức tăng trưởng của mình và trong tổng thể của cả nước thì khả năng tăng trưởng của mình tới đâu”.
Theo Thống đốc Bình, điểm mấu chốt của vấn đề hiện này là chúng ta không có được cái quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch thị trường, hàng hóa muốn bán được thì phải có thị trường. Do vậy, cần phải đánh giá được tiềm năng thị trường, cả trong nước và ngoài nước.
Thống đốc Bình cho biết, hiện Ngân hàng Nhà nước đang triển khai thí điểm 30 dự án trên toàn quốc về việc cho vay sản xuất theo chuỗi, trong đó, doanh nghiệp đứng ra làm nòng cốt.
Doanh nghiệp sẽ xây dựng phương án với hạn mức tín dụng và chứng minh tính khả thi của dự án. Với hạn mức đó, doanh nghiệp cần chỉ rõ bao nhiêu dùng cho vốn lưu động, bao nhiêu dùng cho đầu tư máy móc thiết bị. Ngân hàng sẽ dựa trên dự án đó để cho vay, doanh nghiệp sẽ dùng chính tài sản mua để thế chấp.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy mạnh vay vốn trung và dài hạn dưới hình thức vay tín chấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo. Chính quyền địa phương sẽ làm cầu nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp, với sự tham gia đảm bảo từ địa phương, các doanh nghiệp sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng để mua thiết bị máy móc, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét